Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

“Thủ phạm” trong nhà gây tổn thương phổi

1. Dung dịch tẩy trắng

Dung dịch tẩy trắng chứa clo hoặc amoniac được sử dụng để làm sạch sàn nhà, nhà tắm, v.v… có thể gây ảnh hưởng tới các tế bào phổi khi hít vào và thậm chí gây bệnh hen.

2. Thảm

Thảm, đặc biệt là thảm dầy, chứa nhiều vi khuẩn và các hạt bụi, vì vậy nếu không làm sạch chúng thường xuyên, bạn có thể có nguy cơ rối loạn hô hấp và tổn thương phổi.

3. Đồ gỗ

Đồ gỗ nội thất cũ với nhiều hình khắc và chi tiết cũng có thể dính nhiều bụi và gây dị ứng, bệnh đường hô hấp và trong trường hợp nặng là tổn thương phổi.

4. Máy hút bụi

Bụi bẩn được tập hợp trong máy hút bụi cũng có thể xâm nhập vào đường hô hấp và gây tổn thương phổi trong khi bạn đang làm sạch nó.

5. Mốc

Mốc, thường phát triển trên tường, trong phòng tắm… chứa nhiều vi khuẩn có hại có thể dẫn tới dị ứng hô hấp gây tổn thương phổi và bệnh hen.

6. Thuốc trừ sâu

Nếu bạn sử dụng quá nhiều thuốc trừ sâu để loại trừ côn trùng thì bạn có thể tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi vì các hóa chất trong thuốc trừ sâu có thể gây độc.

7. Sơn

Sơn có chứa hàm lượng cao các hóa chất độc hại và các chất sinh ung thư, vì vậy, nếu bạn tiếp xúc với sơn mới quá thường xuyên, bạn có thể bị tổn thương phổi.

BS Thu Vân

(Theo Boldsky)

Viêm quanh cuống răng: Hệ quả của thói quen xấu

Viêm quanh cuống răng là tổn thương viêm của các thành phần mô quanh cuống răng. Ðây là bệnh lý nhiều người mắc phải gây ra đau đớn, ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như sinh hoạt thường ngày của bệnh nhân. Nếu không được điều trị đúng, tổn thương quanh cuống răng còn có thể dẫn đến nhiều biến chứng phức tạp khác.

Thói quen xấu là một trong những nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm quanh cuống răng trong đó phải kể đến nguyên nhân do sang chấn răng. Các sang chấn cấp tính là những sang chấn mạnh lên răng gây đứt các mạch máu ở cuống răng, sau đó vi khuẩn dễ dàng xâm nhập dẫn tới viêm quanh cuống và thường gây viêm quanh cuống cấp tính. Đối với nhiều người có thói quen xấu như: cắn chỉ, cắn đinh… lặp lại liên tục và có tật nghiến răng cũng có thể gây ra tổn thương viêm quanh cuống mạn tính. Các sang chấn nhẹ như sang chấn khớp cắn, núm phụ cũng gây viêm quanh cuống mạn tính.

Nhiễm khuẩn cũng dễ gây viêm quanh cuống răng. Đa số bệnh nhân bị sâu răng dẫn đến viêm tủy, tủy hoại tử gây biến chứng viêm quanh cuống răng. Quá trình viêm tủy do các vi khuẩn xâm nhập từ lỗ sâu giải phóng hàng loạt các chất có độc tính vào mô quanh cuống, vi khuẩn từ mô quanh răng xâm nhập vùng cuống răng.

Ngoài ra, còn một số nguyên nhân sai sót trong điều trị răng miệng như: chất hàn thừa, chụp quá cao gây sang chấn khớp cắn, trong khi lấy tủy và làm sạch ống tủy đẩy chất bẩn ra vùng cuống gây bội nhiễm… cũng có thể gây viêm quanh cuống răng.

Viêm quanh cuống răng dễ dẫn đến áp-xe và hoại tử tủy.

Nhận biết cách nào?

Khi bệnh nhân bị viêm quanh cuống cấp có biểu hiện mệt mỏi, sốt cao ≥ 38˚C, có dấu hiệu nhiễm khuẩn như môi khô, lưỡi bẩn, có thể có phản ứng hạch ở vùng dưới hàm hoặc dưới cằm.

Người bệnh đau nhức răng: đau tự nhiên, liên tục dữ dội, lan lên nửa đầu, đau tăng khi nhai, uống thuốc giảm đau không đỡ, bệnh nhân có thể xác định rõ vị trí răng đau. Răng đau chạm trước khi cắn làm bệnh nhân không dám nhai. Thường thấy vùng da ngoài tương ứng răng tổn thương sưng nề, đỏ, không rõ ranh giới, ấn đau, có hạch tương ứng, ấn đau. Răng có thể đổi màu hoặc không đổi màu, khám thường thấy tổn thương do sâu chưa được hàn, hoặc răng đã được điều trị, hoặc những tổn thương khác không do sâu. Niêm mạc ngách lợi tương ứng vùng cuống răng sưng nề, đỏ, ấn đau, mô lỏng lẻo.

Biến chứng thường gặp

Những răng bị tổn thương vùng cuống răng nếu không được điều trị kịp thời và đúng phương pháp, bệnh có thể gây nhiều biến chứng phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe người bệnh. Biến chứng tại chỗ là áp-xe vùng xung quanh hoặc gây viêm hạch và vùng quanh hạch, viêm xương tủy. Biến chứng toàn thân là liên quan bệnh tim mạch, viêm thận, viêm khớp, gây đau nửa mặt giống như đau dây thần kinh V, ngoài ra có thể gây sốt kéo dài, rất khó chẩn đoán...

Cần điều trị sớm và dứt điểm

Điều trị viêm quanh cuống răng dựa theo nguyên tắc loại trừ toàn bộ mô nhiễm khuẩn và hoại tử trong ống tủy. Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định cho phù hợp. Dẫn lưu tốt mô viêm vùng cuống. Hàn kín hệ thống ống tủy, tạo điều kiện cho mô cuống hồi phục. Chỉ định phẫu thuật cắt cuống răng nếu tiên lượng điều trị nội nha không có kết quả.

Lời khuyên của thầy thuốcTrong quá trình điều trị bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Sau khi điều trị, bệnh nhân vẫn cần thực hiện những ghi nhớ của bác sĩ: Tránh ăn những thức ăn quá cứng và dai. Chải răng và dùng chỉ nha khoa sau mỗi bữa ăn, ít nhất 2 lần/ngày, sau khi thức dậy buổi sáng và ăn tối. Sử dụng bàn chải đánh răng có lông mềm. Súc miệng bằng nước muối sinh lý hoặc nước súc miệng có nồng độ thích hợp. Tránh uống nước ngọt, hút thuốc và rượu bia, các chất này không tốt cho răng miệng, đặc biệt là khi vừa điều trị các bệnh vùng cuống răng.

BS. Huy Thành